Cho bạn, cho tôi

Góp nhặt câu chữ
Xoa dịu những yếu mềm

Chuyện cũ của K ...


Cô ấy hỏi anh: Theo anh, trong tình yêu điều gì thật sự quan trọng hơn: yêu hay được yêu? Anh ấy trầm ngâm rồi trả lời: vậy theo em, để bay được thì cái gì thật sự quan trọng hơn đối với 1 con chim: cánh trái hay cánh phải? Cô ấy không hỏi nữa bởi vì cô đã biết câu trả lời...

Cô ấy hỏi anh: nếu sau này lấy nhau, anh có đảm bảo được hạnh phúc cho em không? Anh chỉ trả lời: không ai đảm bảo được điều đó, nhưng anh đảm bảo với em là anh sẽ cố gắng hết sức để thực hiện điều đó. Và nếu em không hạnh phúc, người đau lòng hơn sẽ là anh. Cô ấy không hỏi nữa bởi vì cô cũng chỉ cần có vậy.

Cô ấy hỏi anh: nếu sau này buộc phải chọn giữa gia đình hay bạn bè và người yêu, anh sẽ chọn ai? Anh trầm ngâm nhìn xa xăm: anh hy vọng cả đời này sẽ không phải gặp sự lựa chọn như thế bởi vì anh chọn như thế nào cũng trở thành người ...không tốt. Cô ấy ôm lấy anh khẽ nói: em cũng sẽ không bao giờ để anh phải có sự lựa chọn nghiệt ngã ấy.

Cô ấy hỏi anh: tại sao anh hay nắm tay em thế và cũng tập cho em thói quen đó? Anh chỉ bảo: Bởi vì những người đàn ông tự tin nắm tay người phụ nữ của mình ở mọi lúc mọi nơi mới là người đáng tin cậy nhất. Cô ấy khẽ nhẹ nhàng nắm tay anh.

Cô ấy hỏi anh: nếu sau này có nhiều người con gái khác xinh đẹp hơn em, tài giỏi hơn em quan tâm đến anh. Anh có còn yêu em không? Anh trả lời cô: trong tình yêu, sự so sánh là khập khiễng. Hiện tại, em vẫn là người anh thường nằm mơ thấy và cũng là người mỗi sáng thức dậy anh nhớ đến.

Cô ấy hỏi anh: nếu sau này vì lý do gì đó mà chúng ta không đến được với nhau thì sẽ như thế nào vậy anh? Anh trả lời rành rọt: em có thể nêu những lý do đó bây giờ để anh còn đủ thời gian mà giải quyết. Cô chợt nhớ đến lời anh nói khi xưa: cuộc đời anh là một đường thẳng, có rẽ ngang cũng chỉ là để gặp em. Gặp được em đã là điều khó khăn và cũng là điều tuyệt vời nhất rồi.

Cô ấy hỏi anh: có cách nào nói lời chia tay mà không làm người kia đau khổ không anh? Anh nhìn sâu vào mắt cô: không có cách nào, em à. Có tình thì tất sẽ có đớn đau. Không tránh khỏi được. Cô lặng im bởi vì cho dù thế nào cô cũng không hề muốn điều đó xảy ra với anh.

Cô lại hỏi anh: nếu sau này lấy nhau, điều anh muốn nhất trong gia đình mình là gì? Anh trả lời: đó là mỗi sáng chúng ta ôm nhau từ biệt đi làm và chiều về chúng ta cũng ôm nhau vì được gặp lại nhau. Cô hỏi anh: điều đó khó khăn lắm sao? Anh nhìn xa xôi: nếu em có thể làm được điều đó cả đời với một cảm giác tự nguyện, em sẽ thấy nó không hề dễ. Cô không nói nữa bởi cô tin rằng anh đúng.

Cô ấy hỏi anh: Thế nào là một tình yêu bền lâu ? Anh trầm ngâm: trong cuộc đời chúng ta, một số người thoáng qua. Một số người khác ở lại lâu hơn rồi cũng rời xa. Chỉ có những ai bình yên đi với chúng ta theo năm tháng mới là bền lâu. Cô nhìn xa xăm, như đang suy nghĩ về cái gọi là "bình yên theo năm tháng". Anh nói thêm: bình yên nghĩa là cho dù chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn có một niềm tin, một chỗ dựa để mà trông chờ, để mà không cảm thấy mìnhđánh mất tất cả.

Nước mắt lăn dài trên má, cô nói: Định mệnh cho chúng ta gặp nhau ngày hôm đó...
Anh khẽ nắm tay cô: Đúng vậy. Cho nên anh không cam lòng để số phận đưa em đi theo một hướng mà không có sự hiện diện của anh.

K viết tặng Một người
(26.04.2012)

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:

- Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.

Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:

- Đây là vé trẻ em.

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:

-Anh là người tàn tật?

-Vâng, tôi là người tàn tật.

-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:

-Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em

Cô soát vé cười gằn:

-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên – Anh chỉ còn một nửa bàn chân.

Cô soát vé liếc nhìn, bảo:

- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!

Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:

- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.

Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật …

Trưởng tàu cũng hỏi:

- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?

Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.

Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:

- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:

- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.

Trưởng tàu nói kiên quyết:

- Không được.

Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:

- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:

- Cũng được.

Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:

- Anh có phải đàn ông không?

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:

- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?

- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?

- Đương nhiên tôi là đàn ông!

- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?

Mọi người chung quanh cười rộ lên.

Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:

- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:

- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.

Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.

Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:

- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.

Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:

- Cô hoàn toàn không phải người!

Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:

- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?

Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:

Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…

Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.

Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận…

Úc Thanh (truyện dịch)

Karoline: cuộc sống không chỉ có những kỳ thi và chúng ta cũng không chỉ cần mỗi giấy chứng nhận.

Sẽ đôi lúc trong đời chúng ta cần những danh xưng như là bạn thân, anh em kết nghĩa, và đôi khi cả người yêu.

Có những người cần những danh xưng đó cho cuộc sống trọn vẹn.

Có những người không cần những danh xưng hư ảo, không có thực.

Cho dù thế nào cũng không đúng hoặc sai, chỉ là quan niệm

Con người sống với nhau dựa vào những mối quan hệ, và để xác định tính chất, giá trị của một mối quan hệ, người ta gắn cho nó một cái tên – đó là danh xưng. Vì lẽ nó chỉ là cái tên để phản ánh giá trị một mối quan hệ, do đó nó luôn là cái có sau, nó luôn cần 1 giá trị thực để phản ánh giá trị đó.

Có những giá trị trong cuộc sống không phải cứ gọi tên là sẽ đúng như vậy

Bạn có thể từng có những người bạn mà bạn xem họ là bạn tốt, là bạn thân. Nhưng rồi cuối cùng bạn nhận ra rằng không phải vậy. Danh xưng đó không đúng với giá trị của nó.

Bạn đã từng được xem là có người yêu, nhưng trong lòng luôn cảm thấy cô đơn, luôn cảm thấy mình không hơn gì những người khác đang sống một mình.

Bạn từng có xem một người như người anh em kết nghĩa, nhưng rồi khi bạn gặp khó khăn bạn lại đau đớn nhận ra rằng người đầu tiên bạn nghĩ đến không phải là họ.

Tất cả cuối cùng rồi cũng hội tụ về giá trị thật cho dù bạn có muốn hay không.

Danh xưng cuối cùng cũng chỉ là cái tên gọi

Sao không là cái danh xưng bạn tốt và cố gắng sống cho đúng với cái khái niệm đó

Sao không là cái danh xưng một mình khi bạn cảm thấy nó đúng là như vậy

Sao không là người quen khi bạn nhận ra rằng bạn không thể xem một người quen như một người bạn.

Hãy thành thật với các giá trị thực, bởi vì sai lầm luôn phát sinh từ ngộ nhận.


Karoline

Tiền và tình yêu

Nghe có tiếng xe hơi đậu, ông Anthony Rockwall - nhà công nghiệp, chủ hãng xà phòng Eureka nay đã nghỉ hưu - ngẩng lên, nhìn qua cửa sổ phòng đọc sách. Thấy người hàng xóm ở kế bên phải - lão quí tộc G.Van Schuylight Suffolk Jones - bước xuống xe, ông bắt tức cười. Như thường lệ, vừa chạm mặt pho tượng Ý thời Phục hưng đặt trước tiền sảnh dinh cơ của ông, lão quí tộc lại nhăn tít cái mũi khoằm khoặm lại. Cựu hoàng xà phòng lắc đầu: ”Khó chịu với cái bức tượng cổ ấy làm gì cơ chứ ; phải lão đừng để ý, ta đã tặng nó cho viện bảo tàng rồi…Hè tới đây, ta sẽ cho sơn lại ngôi nhà này, không biết lúc ấy cái mũi vẹt của lão còn chun tới đâu nữa!”. Vươn vai đứng dậy bước ra cửa phòng, với cái giọng rền vang như chuông vỡ, ông gọi to: ”Mike!”; và khi nghe có tiếng đáp, ông bảo: “Nói với con trai ta, có đi đâu thì cũng phải vào đây một lúc đã, nhé!”. Và, khi con trai ông - một tay xóc xóc xâu chìa khóa trong túi quần, tay kia vò đầu nhưng quần áo vẫn tươm tất - bước vào, ông đặt tờ báo sang một bên, soi mói nhìn anh. Đột nhiên, ông hỏi:

- Richard, xà phòng con vẫn dùng, con trả thế nào?

Richard bối rối. Mới ra trường, về nhà chưa đến sáu tháng, chưa hiểu hết tính khí của ông già, anh lúng túng cứ như một cô gái khi đến dự buổi khiêu vũ đầu tiên trong đời. Anh lắp bắp:

- Đâu chừng... sáu đô la một tá, bố à!

- Còn quần áo con vẫn mặc?

- Dạ... cỡ sáu mươi đô; cũng vừa phải thôi...

Ngồi nhỏm dậy, vẻ dứt khoát, ông già bảo:

- Con thuộc giới thượng lưu. Bố nghe nói giới trẻ thượng lưu vẫn xài xà phòng loại hai mươi bốn đô một tá, và quần áo chúng mặc không thứ nào dưới một trăm đô; con đâu có thiếu tiền, tội gì phải dè sẻn! Hiện nay, không phải vì tư vị mà bố vẫn xài xà phòng Eureka loại cũ; đó là loại tốt nhất đấy. Đừng có vì hà tiện mười xu mà đi mua loại xà phòng tồi; đối với thanh niên ở thế hệ của con, với vị trí xã hội như con, xài xà phòng loại năm mươi xu một bánh thì cũng cho là được đi. Bố đã nói, con thuộc giới thượng lưu; người ta vẫn thường nói là phải phấn đấu cả ba đời mới chen chân được vào giới đó, bố không tin như vậy. Cũng như dầu để nấu xà phòng, tiền bạc bôi trơn tuốt; tiền bạc sẽ đặt con vào giới thượng lưu. Nói không quá đáng chứ, nhờ có tiền, bố mới là bố, bố thô lỗ, bố cục mịch không khác mấy lão ở kế nhà mình, vậy mà bố còn phải vãi tiền ra mới được xem là cùng giới với họ...

- Cũng có thứ mà tiền không làm được đâu, bố à! - Richard rầu rĩ đáp.

Ông già tỏ ra phật ý:

- Thời buổi này mà con còn nói vậy à? Bố sẵn sàng đánh cuộc đấy. Con cứ thử tra từ đầu đến cuối quyển đại từ điển bách khoa xem, có thứ gì mà con không mua được bằng tiền không; bố đố con đấy...

Vẻ bứt rứt, Richard đáp:

- Có đấy bố; có một thứ mà không tiền bạc nào mua được.

Ông Anthony kêu lên:

- Thật vậy sao? Đâu, con nói thử đi, có thứ gì mà tiền bạc không thể mua được đâu nào?

Richard lắc đầu.

Ông già quạu:

- Bố kêu con vào là vì chuyện ấy đấy; từ hai tuần nay bố để ý thấy hình như con có chuyện gì không ổn. Có gì mà phải buồn cơ chứ. Bố chỉ nhón tay một cái là thu được ngay mười một triệu đô la trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không tính của chìm. Nếu con muốn, chiếc du thuyền Rambler thả neo trong vịnh kia sẽ là của con; đổ than vào, chỉ cần hai ngày là con có thể tắm biển ở Bahamas...

Richard hiểu ý ông già muốn nói gì; anh nói giọng uể oải:

- Bố đoán gần đúng rồi đấy.

- A! - ông già nheo mắt, reo lên:

- Vậy thì nói đi, cô ta tên gì nào?

Richard đi đi lại lại quanh phòng; ông già tuy hay lớn tiếng nhưng coi bộ từng trải, dễ gần, có thể trút bầu tâm sự được.

Thấy Richard không trả lời, ông già lại đoán:

- Con chưa biết tên cô ta à; sao không hỏi? Bố tin là cô ta ngã vào vòng tay con ngay ấy chứ! Con có tiền này, đẹp trai này, lịch thiệp này, tay con không hôi mùi xà phòng này, con có học này... cô ta còn muốn gì nữa, hả?

- Con không có cơ hội gần gũi cô ấy. - Richard rầu rĩ đáp.

- Cơ hội - Ông già kêu lên - Sao không tạo cơ hội? Mời cô ta đi dạo ở công viên, đưa cô ta về nhà sau khi xem lễ, đón cô ta sau buổi hòa nhạc… Ôi dào, cơ với chả hội!

- Bố không biết ấy chứ... trong tầng lớp cô ta, giờ giấc sít sao lắm, được sắp đặt trước hàng mấy ngày... Không cưới được cô ấy, đối với con, thị trấn này chẳng khác gì chốn ngục tù u ám... Con không viết thư cho cô ấy được đâu, làm như vậy không được đâu!

- Thôi đi, ý con muốn nói tiền bố cho con chưa đủ để mua một hai giờ trò chuyện tay đôi với cô ta chứ gì?

- Trễ rồi bố à! Trưa ngày kia là cô ấy đi châu Âu học trong hai năm. Ngày mai con sẽ gặp riêng cô ấy được ít phút. Lúc này cô ấy đang ở nhà bà dì ở Larchmont, con không đến đó được, nhưng cô ấy đã nhận lời cho con đi taxi đến đón cô ấy ở ga xe lửa trung tâm lúc 8g30, từ đó tụi con phải đi thật nhanh đến rạp Wallace. Mẹ cô ấy và mấy người nữa sẽ đợi sẵn ở đó để cùng vào xem kịch với tụi con. Bố thử nghĩ, trong hoàn cảnh ấy, với sáu, bảy phút, con làm sao nói chuyện được với cô ấy, nói được gì nào? Rồi trong khi xem kịch hoặc cả sau đó nữa, còn cơ hội nào để con bày tỏ với cô ấy đây? Không, không còn cơ hội nào nữa đâu! Tiền bạc của bố không giúp gì được đâu, không mua được phút nào đâu! Nếu mua được, hẳn người giàu đã bỏ tiền ra mua để được sống lâu hơn... Từ bây giờ cho đến lúc cô ấy lên đường, không hy vọng gì kiếm ra thời gian để gặp riêng cô ấy được đâu!

Ông Anthony nheo mắt:

- Được rồi, được rồi, Richard. Giờ thì con có thể xuống câu lạc bộ chơi được rồi đấy. Bố hy vọng là con không quá si ngốc đến mức quên cả vui chơi… À, thỉnh thoảng con cũng nên vào đền thắp vài nén nhang cầu thần Mazuma phù hộ... - Ngừng một chút, ông tiếp: - Tất nhiên là con không thể dùng tiền mua thêm thời gian cho mình hoặc ra lệnh cho thời gian ngừng trôi, nhưng bố thì đã nhiều lần bố trông thấy Thần Thời gian vấp té dập cả chân khi bước qua mấy cái mỏ vàng đấy!

Tối đó, lúc ông già đang đọc tờ báo buổi chiều thì cô Ellen tới; chẳng mấy chốc, cuộc chuyện trò giữa hai anh em đã xoay quanh chuyện thằng cháu si tình.

Ông già che miệng ngáp:

- Nó nói với tôi cả rồi, và tôi cũng đã nói với nó là tiền bạc của tôi là để lo cho nó, nhưng nó không tin là tiền bạc có thể lo được. Nó nói tiền bạc cũng chẳng ích gì. Nó nói là dù cho có cả chục ông triệu phú cùng xúm vào cũng không thể nào lay chuyển nổi các ước lệ xã hội...

Cô Ellen nóng nảy:

- Anh Anthony này, anh đừng nói đến chuyện tiền bạc nữa, có được không! Đối với tình yêu chân thành thì tiền bạc có ý nghĩa gì cơ chứ! Anh phải biết, tình yêu có sức mạnh vạn năng. Phải chi nó chịu nói sơm sớm một chút... Em biết, cô ta không từ chối thằng Richard nhà mình đâu. Giờ thì trễ quá rồi, thằng bé đâu còn dịp nào để ngỏ ý với cô ta nữa chứ! Tiền bạc của anh làm sao mua được hạnh phúc cho nó! Tám giờ tối hôm sau, cô Ellen lục trong chiếc hòm mọt đục, lấy ra một chiếc nhẫn vàng trông là lạ, đem đến cho Richard. Cô bảo:

- Đây là chiếc nhẫn mẹ cháu để lại cho cô. Mẹ cháu nói là nó đem lại may mắn trong tình yêu, và dặn cô trao lại cho cháu khi nào cháu tìm được người yêu. Tối nay, cháu nhớ đeo vào tay…Richard thành kính cầm chiếc nhẫn, ướm vào ngón tay út; nó hơi lỏng, vào quá đốt thứ hai một tí mới dừng lại. Với phong thái chững chạc của một người đã trưởng thành, anh cởi nhẫn ra, cất vào túi áo vét, xong, anh quay điện thoại gọi taxi.

Tám giờ ba mươi hai phút, anh nhìn thấy Lantry đứng lẫn trong đám đông trước cửa nhà ga. Thấy anh, cô gái nói nhanh:

- Mình phải nhanh nhanh lên mới được, đừng để mẹ phải đợi lâu!

- Tới rạp Wallace, càng nhanh càng tốt. - Richard ra lệnh cho tài xế.

Theo đường Bốn mươi hai, xe đổ ra đại lộ Broadway, xuôi theo làn đường dành riêng cho xe con. Đến đường Ba mươi tư, Richard đập vai tài xế, bảo dừng lại. Anh xin lỗi cô bạn, xuống xe:

- Tôi bị rớt chiếc nhẫn. Chờ tôi một phút, tôi thấy chỗ nó rơi rồi. Nhẫn mẹ tôi để lại, để mất... tôi không đành lòng...

Chưa đến một phút, anh đã quay trở lại, chiếc nhẫn trên tay.

Nhưng, trong khoảng thời gian chưa đến một phút đó, không biết từ đâu, một chiếc xe to kềnh đã đậu chắn ngay phía trước chiếc taxi. Tài xế lách sang trái, cố vượt qua, nhưng vướng phải chiếc xe tải chất đầy hàng hóa; anh ta lùi xe, tính lách sang phải, lại đụng nhằm chiếc xe chở bàn ghế tủ giường lổn ngổn đậu ở phía sau, lái xe không biết đã bỏ đi đâu; hết đường xoay trở, tài xế rủa thầm trong bụng, ôm vô-lăng chịu trận giữa cái mớ xe cộ vô ý thức đó.

Cô Lantry nóng nảy giục:

- Đi đi chứ, trễ quá rồi!

Richard nhổm lên, nhìn quanh. Cả một rừng xe – nào taxi, nào xe tải, xe con, xe tải nặng... đậu bít cả giao lộ mênh mông nơi các con đường Ba mươi tư, đại lộ số Sáu, đại lộ Broadway cắt nhau; đã vậy, từ các đường nhánh, xe cộ cứ ùn ùn đổ tới, cản sau xe trước chạm cản trước xe sau, cả cửa xe cũng bị ép cứng, không tài nào mở ra được.

Richard ngồi xuống, lắc đầu:

- Mình bị kẹt xe rồi. Ít ra cũng phải cả tiếng đồng hồ mới giải tỏa được cái mớ bòng bong này... Cũng tại tôi, phải chi chiếc nhẫn không rớt thì đâu đến nỗi...

Cô Lantry hỏi:

- Chiếc nhẫn đâu, anh cho xem... Tôi không trách anh đâu; vả lại tôi chỉ lo mẹ mong, chứ kịch thì cũng chẳng có gì đáng để xem...

Mười một giờ tối. Cửa phòng ông Anthony có tiếng gõ. Đang nằm trên giường xem dở quyển truyện phiêu lưu, ông già quát:

- Vào đi!

Đó là cô Ellen. Cô nói, không giấu nổi vẻ náo nức:

- Anh Anthony, tụi nó đính hôn rồi; cô ấy nhận lời cầu hôn của thằng Richard nhà mình rồi!... Tụi nó kẹt xe suốt hai tiếng đồng hồ, và thằng bé nhà mình đã không bỏ lỡ cơ hội...

Ngừng một chút để thở, cô nói tiếp:

- Nào, anh Anthony, giờ thì anh hết khoe của nhé! Chỉ cần một biểu tượng của tình yêu, chỉ cần một chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu chân thành, chung thủy cũng đủ để thằng Richard nhà mình tìm thấy hạnh phúc... Tiền bạc thì làm sao bù được với tấm chân tình kia chứ!

Ông Anthony ngắt lời:

- Đủ rồi, đủ rồi; chỉ cần thằng bé đạt được ý nguyện là tôi mừng rồi. Tôi đã bảo, nếu nó cần thì tốn kém bao nhiêu tôi cũng không tiếc...

Cô Ellen cố cãi:

- Nhưng thử hỏi trong chuyện này, tiền bạc có đem lại được điều gì tốt đẹp không nào?!

Ông Anthony Rockwall dài giọng:

- Thôi nào, cô em; tôi đang đọc đến chỗ tên cướp bị đắm tàu đây này; để xem tiền bạc có thể cứu hắn thoát chết đuối được không… Cô để tôi đọc hết chương này đã, có được không?

Chuyện đến đây là hết. Tự thâm tâm, tôi mong là độc giả cũng hài lòng với hạnh phúc của Richard. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nói gì thì nói, tỏ tường ngành ngọn vẫn hơn.

Sáng hôm sau, trước dinh cơ ông cựu hoàng xà phòng xuất hiện một người mặc áo ngắn tay, thắt chiếc cà-vạt xanh lốm đốm; anh ta rung chuông và được mời ngay vào phòng đọc sách.

Vớ tập ngân phiếu trên bàn, ông Anthony xé một tờ:

- Đây, năm ngàn tiền mặt, thưởng cho anh về khoản dầu để nấu xà phòng…

Kelly, người mặc áo ngắn tay, nói:

- Tôi còn phải xuất thêm ba trăm đô ngoài kế hoạch nữa đó: thuê thêm chiếc xe hàng với mấy chiếc taxi hết năm đô, chiếc xe tải nặng và mấy chiếc tải nhẹ mất mười đô. Mấy người chạy mô-tô đòi mười đô, đội bốc vác đòi hai mươi đô. Cảnh sát giao thông quất tôi nặng nhất, hai người trước, mỗi người năm mươi đô; hai người sau, một người hai mươi, một người hai mươi lăm... nhưng... họ cũng làm ra trò đấy chứ, ngài Rockwall? Cũng may mà ngài Thị trưởng không nhìn thấy cảnh kẹt xe... Chẳng tập dượt gì mà giờ giấc đâu đó khít rim; đúng hai tiếng đồng hồ, không sai chạy lấy một giây...

- Một ngàn ba trăm đô, anh cầm lấy. Thưởng thêm cho anh một ngàn, còn ba trăm là để bù vào số tiền túi của anh. Anh không chê tiền chứ, anh Kelly?

- Tôi ấy à? Cứ có tiền thì bắt tôi làm mọi tôi cũng làm.

Ông Anthony gọi giật lại khi Kelly vừa ra đến cửa:

- Tôi quên hỏi, ở chỗ kẹt xe, anh có trông thấy một chú bé bụ bẫm, trần truồng, giương cung bắn vãi ra bốn hướng không?

Kelly ngơ ngác:

- Sao, ông nói sao? Bắn tên vãi ra ấy à? Dààà... tôi không thấy, nhưng nếu có hẳn nó đã bị cảnh sát bắt nhốt từ trước rồi...

- Dễ gì bắt được nó - ông Anthony cười: - Thôi chào anh, Kelly !

(from internet)

Có lẽ Thượng Đế cho ta chọn lầm người trước khi chọn đúng người, để khi cánh cửa tình yêu khép lại, ta cảm nhận được cái lớn lao, cao cả, vĩ đại của tình yêu.

Tình yêu bắt đầu bằng một bông hoa, đơm hoa kết trái bằng một nụ hôn, và kết thúc bằng một giọt nước mắt. Dẫu cho đó là những giọt nước mắt hạnh phúc hay xót xa đau khổ, thì sự thực, tình yêu đã để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm đẹp!...

Chúc cho những ai đã phải nếm trải những đau khổ, mất mát khi mất đi tình yêu của mình sẽ tìm được một nửa của đời mình trong dịp Valentine này!


Em hãy ra đi vì người đó cũng cần em

Tình yêu không còn, nụ cười trên môi em cũng tắt.

Em hãy ra đi và đừng nuối tiếc chi.

Kỹ niệm đã xa anh cũng chẳng mong gì.

Chỉ xin em hãy giữ tiếng yêu ngày đó.

Điều quý giá giờ chỉ là mây gió,

Thoáng trên môi và tan biến xa xăm.

Nếu bên anh em chẳng phút nghẹn lòng,

Thì em hãy ra đi tìm lẽ sống.

Hạnh phúc đến khi em bên người ấy,

Anh sẽ buồn nhưng chẳng khóc đâu em.

Mỗi tiếng yêu anh giữ tấm chân tình,

Anh đã hiểu, khi đôi mình tan vỡ.

Em yêu hỡi, trái tim kia cũng lỡ,

Đã yêu em và cũng rất cần em.

Em hãy đến bên người kia em nhé!

Anh vẫn cười dù xa vắng đời em.

Uông Ngọc Tân

Nhan sắc


Người đàn bà đứng tuổi hỏi đàn bà trẻ:

- Em đã ngủ với chồng chị chưa?

Đàn bà trẻ sa sầm nét mặt, đôi mắt ghì chặt vào đáy ly sóng sánh ánh cam. Vài phút lặng lẽ trôi qua, đàn bà trẻ phát ra thứ âm thanh nghèn nghẹn mà nội dung chẳng liên quan gì đến câu hỏi:

- Anh ấy nói với em, chị không chăm lo và không thể chia sẻ cùng anh ấy…?

Đàn bà đứng tuổi tiếp nhận bằng nét mặt thản nhiên. Giống như cô đã quen với tiếng báo thức lúc 6h30 mỗi ngày, để tất bật chuẩn bị bữa sáng cho chồng, đánh hộ anh đôi giày để anh có thể an tâm rời khỏi nhà đi làm. Đàn bà đứng tuổi chậm rãi tuông từng lời:

- Đây không phải là lần đầu tiên chị nghe câu nói ấy từ cửa miệng một phụ nữ trẻ. Có điều chị tự hỏi: “Tại sao trong cuộc đời, hầu hết đàn bà chỉ cần duy nhất một người đàn ông hiểu mình, chăm lo cho mình. Trong khi đa số đàn ông lại cần nhiều người đàn bà hiểu mình, chăm lo cho mình đến thế?”.…

Đàn bà trẻ cúi xuống, nước mắt khi không mà chảy. Tiếng đàn bà đứng tuổi vẫn vang lên đều đặn:

- Trong mối quan hệ lằng nhằng này, chúng ta chỉ có hai cách giải thích. Hoặc là cả ba cùng có lỗi, hoặc là không ai có lỗi, lỗi tại “Nhan sắc” mà ra… Thôi, chị về đây, còn phải đi đón cháu. Em từ từ suy nghĩ và chọn cho mình một kết cục mà em muốn. Chỉ có điều “Nhan sắc” là thứ phù du nhất cuộc đời này em ạ…!

Đàn bà đứng tuổi đi rồi, để lại trong gió ánh mắt đen láy và mùi hương thoang thoảng. Đàn bà trẻ nhìn theo dáng dấp ấy và thầm nghĩ: “Chị ta từng được gọi là nhan sắc…”. Chuông điện thoại reo vang, đàn bà trẻ giật mình. Đầu dây bên kia, tiếng người đàn ông – như đa số đàn ông khác – cần nhiều đàn bà trong cuộc đời, nói hối hả: “Em à, cẩn thận nhé. Mụ nhà anh phát hiện ra em rồi. Mụ để cả xấp hình chụp chúng ta đi vào nhà nghỉ, rồi cả căn nhà nơi em đang trọ học. Tạm thời đừng liên lạc nhiều nhé. Anh sẽ tranh thủ giải quyết để gặp em sớm…”.

Đàn bà trẻ không đáp trả. Tiếng tít tít vang lên vồn vã và bất ngờ. Bất ngờ như cơn mưa ngoài khuôn quán kia. Lúc này cô mới nhận ra sự tinh xảo của đàn bà đứng tuổi khi chọn quán cà phê cô và người đàn ông ấy thường hò hẹn làm nơi gặp nhau hôm nay. Đàn bà trẻ nhìn ảnh mình trong tấm gương phản chiếu loang loáng màn nước, nghĩ mãi đến điều đàn bà đứng tuổi gửi lại trước khi đi: “Nhan sắc…”

Đàn bà đứng tuổi để toàn bộ tập ảnh giấy tờ liên quan đến người tình mới nhất của chồng lên bàn làm việc cho anh rồi lẳng lặng trở về phòng. Nhìn lại mình trong gương, đàn bà đứng tuổi biết mình đã sai khi chiều qua đổ lỗi mọi điều cho “Nhan sắc”. Đàn bà nhớ lại lời một người đàn bà lớn tuổi hơn: “Đàn ông nào vốn mang tính trăng hoa thì hoạ may khi chết đi mới bỏ được. Chấp nhận lấy anh ta là chấp nhận cảnh chồng chung cả đời…” . Đàn bà đứng tuổi thở dài, tắt đèn trong tiếng nhạc da diết buồn “Bàn tay làm sao níu, một thời vừa đi qua…”

Đàn ông trở về sau cơn mưa giông bất ngờ. Phong bì hình ảnh vợ để trên bàn đêm qua vẫn còn làm anh chới với. Hai lần trước vợ chỉ nói: “Anh dừng lại đi, đừng để em biết quá nhiều…”. Đàn ông ngoan ngoãn nghe theo vì thiết nghĩ: “Còn nhiều thời gian khác mà!”. Lần này, đàn bà làm điều gay cấn hơn. Đàn ông nằm vật nơi phòng khách, chẳng dám vào phòng ngủ. Anh sợ những câu chất vấn không lối thoát dành cho mình, sợ mình trở thành thằng hèn như kẻ trộm bị bắt gặp. Đàn ông ngủ quên lúc nào không hay. Đàn ông muôn đời là thế. Họ không như đàn bà, điển hình là đàn bà trong phòng ngủ kia, ngổn ngang cả đêm không chợp mắt.

6h30, đàn bà choàng dậy như một loại phản xạ vô điều kiện. Nhưng rồi nghĩ lại, đàn bà cho phép mình lao vào phòng tắm chà rửa bản thân sạch sẽ, bóng loáng trước khi lao vào bếp. Đàn bà cho phép mình thoa chút phấn son trước khi đánh giày cho chồng. Và gọi chồng dậy với ánh mắt vô tư như chưa từng xảy ra chuyện gì. Đàn ông hớn hở như thoát được nạn, thay đồ, ăn sáng, và huýt sáo rời khỏi nhà đi làm, không quên hôn vợ.

Đến cơ quan, đàn ông hí hửng rút điện thoại định gọi cho đàn bà trẻ, bất ngờ đọc được tin nhắn gửi sẵn từ đêm qua: “Em tha thứ cho anh, chúng ta tha thứ cho nhau. Em cố gắng và em biết anh cũng sẽ cố gắng. Chỉ có điều: Bất quá tam.Chúng ta cùng ghi nhớ điều đó. Em yêu anh!”

Đàn ông run tay vì biết đàn bà đứng tuổi không nói đùa. Đàn ông đang nghĩ, liệu những nhan sắc đang phới phới ngoài kia, rồi có mang đến cho anh những điều anh đang sở hữu? Liệu khi những nhan sắc ấy tàn phai, anh còn lại gì?

Đàn ông bóp trán, buông điện thoại. Ngồi thừ một lúc, anh mở email làm việc. Tên đàn bà trẻ đứng đầu trong inbox với lá thư “Nhan sắc”. Đàn ông hồi hộp mở ra. Đàn bà trẻ viết:

“Em và nhan sắc cũ của anh đã gặp nhau cách đây vài ngày. Chị ấy không còn mới như em. Nhưng chị ấy có thứ nhan sắc khác. Tuỳ vào sự lựa chọn của anh. Em mong tin anh!”.

Đàn ông nghe tim đập liên hồi. Ngã vật ra ghế, nốc cạn ly cà phê. Ly cà phê có thể đã làm đàn ông tỉnh táo hơn hoặc đã làm anh ta say. Đàn ông đem mọi thứ lên bàn cân, như vốn phải thế trong đầu óc một gã kinh doanh thành đạt. Đàn ông khôn ngoan, bản lĩnh nhìn thấy rõ ràng ngày hôm qua có sức mạnh lớn lao thế nào trong việc tạo ra hôm nay. Đàn ông cũng không còn đủ trẻ để liều lĩnh đem chưa – đến – nửa – cuộc – đời còn lại ra cá cược.

Đàn ông im lặng rời khỏi inbox. Chiều hôm ấy, đàn ông về sớm, đón con cùng vợ dưới cơn mưa tầm tã. Đàn bà đứng tuổi không quên chiếc khăn tay trong ví, lau vội nước mưa trên mặt, trên tóc chồng. Đàn ông nhìn vợ, nhớ lời đàn bà trẻ trong lá thư rồi nghĩ: “Đàn bà đứng tuổi của mình có một thứ nhan sắc mà không phải bất kì nhan sắc nào cũng có được…”

Vấn đề là, suy nghĩ ấy rồi sẽ tồn tại trong cuộc đời còn lại của đàn ông được bao lâu? Khi hàng ngày đàn ông vẫn phải tiếp xúc và nhìn thấy hàng nghìn nhan sắc mới đang hừng hực ngoài kia?…

Vân Lam

Tình nhân hay vợ chồng


Viết cho một nửa hoang dại trong chúng ta. Em đã một mình với đôi chân trần rướm máu băng qua "những cánh đồng" vắng tình người. Những cánh đồng mà mọi thứ được gieo trồng cho một mục đích duy nhất: Tiền! Em đã một mình đắm chìm và trượt dài cùng những giấc mơ. Những giấc mơ mong manh chập chờn trong giấc ngủ muộn sau bao đêm "chờ trời sáng".

Những giấc mơ đau đáu một nỗi niềm duy nhất: Tình!

Em đã cười - đã khóc - đã yêu thương - đã oán hận - đã lớn lên giữa những mong manh Tình - Tiền ấy. Một đêm âm u, như đêm nay đây, em thấy mình như bức tranh rẻ tiền với những mảng màu đối lập, chói lóa, nhòe nhoẹt, không hình dạng...Và câu chuyện này được viết ra cho điều em vẫn mãi suy tư...

Anh đến. Như cơn gió mát lành từ thảo nguyên bao la ngút ngàn. Bồ công anh trở mình... Mùa đông lạnh lẽo trôi qua. Gió vi vu chở những giọt nắng yêu thương trải khắp bao ngọn đồi khô cằn, phủ lên đó hai màu xanh vàng mượt mà óng ả. Em có thể nhìn thấy mình mơn mởn khoe sắc rực rỡ, hừng hực lửa và đầy khiêu khích.

Anh bảo "anh chưa bao giờ tin vào định mệnh, cho đến ngày anh gặp em...".

Anh viết "chỉ là một chuyện tình. Dù muốn hay không, nó cũng đã đến. Anh không thể trốn chạy dù đã cố vẫy vùng..."

Anh nói "Trên đời có ba thứ qua rồi không lấy lại được: Thời gian, lời nói và cơ hội".

Nên anh không muốn tình yêu này vuột mất tầm tay...

Thế là ta "trèo đèo vượt suối" để đến với nhau...!

***

Sống với nhau một năm. Chúng ta có những đêm quay cuồng hổn hển khát khao. Những ngày nắng hừng hực yêu đương. Những buổi chiều nồng nàn cháy lửa. Chúng ta quấn lấy nhau từng giờ, từng phút có thể, trong bất cứ tình huống nào. Và bao giờ cũng là giây phút tột đỉnh. Chúng ta có điều tuyệt vời mà bao cặp vợ chồng khác ao ước: sự hòa hợp trong đời sống ái ân!

Sống với nhau một năm. Chúng ta có những ngày quay cuồng cùng việc mưu sinh. Chúng ta kiếm được nhiều tiền và cũng tiêu tiền theo kiểu "trưởng giả". Không ai than phiền cùng ai vấn đề tài chính, tiền nong. Chúng ta có điều đặc biệt mà bao cặp vợ chồng khác ao ước: sự hòa hợp trong quan niệm về Tiền (cụ thể là kiếm tiền và tiêu tiền!)

Sống với nhau một năm. Chúng ta có những ngày đưa nhau đi khắp nơi mỗi đêm sau giờ làm việc, nào là xem kịch, uống bia, dạo phố, gầm rú trong sàn nhảy, vu vơ trong mưa. Sau đó về nhà nằm ôm nhau xem một đoạn phim tình cảm (em thích) hay phim hành động (anh thích)... và ôm nhau ngủ. Chúng ta có điều quý hiếm mà bao cặp vợ chồng khác ao ước: sự lãng mạn.

***

Em mang thai ngoài ý muốn. Đêm em nằm lên ngực anh thỏ thẻ điều ấy, tim anh không "lỗi nhịp". Nó bình thản như lời anh nói:

- Chúng ta chưa có gì cả, kể cả đám cưới.

- Thế chúng ta cưới nhau đi! Chúng ta chỉ còn thiếu giấy đăng ký và lễ cưới thôi mà!

- Ngủ đi em, mai mình nói chuyện tiếp nhé, khuya rồi.

Từ hôm ấy, giữa chúng ta như có một lằn ranh. Anh ngượng nghịu nói cùng em những lời yêu thương, làm cho em những điều tình tứ. Nhưng chưa bao giờ thấy anh xoa lên bụng em như bao người chồng khác lúc vợ mang bầu. Mỗi đêm, em phờ phạc đến trắng mắt nghĩ đủ điều. "Tại sao anh lại như thế? Tại sao anh không cho em được làm vợ?". Và em ghét mầm xanh trong bụng em, tại nó mà chúng ta ra thế...

Một buổi sáng, em xin nghỉ làm, vào bệnh viện một mình...

Một buổi chiều, em hớn hở nói với anh: "Em bỏ rồi! Chúng ta sẽ sống vui vẻ như ngày xưa, nhé anh!".

Anh quay phắt lại nhìn em bằng ánh mắt hung tợn và quày quả bỏ đi sau tiếng đóng "rầm!" thật to của cánh cửa.

Buổi tối đầu tiên anh không về nhà, không điện thoại, không tin nhắn...

***

Sáng hôm sau trời không nắng. Một email được gửi vào inbox cho em. Trời buông màu xám xịt

"Em yêu thương,

Với những tháng ngày chúng ta đã có, anh không nghĩ với anh rồi nó sẽ trôi qua như một giấc mơ. Nhưng anh không thể đánh lừa chính mình để rồi chúng ta làm khổ nhau cả đời. Em nói đúng, chúng ta có tất cả mọi thứ mà bao cặp vợ chồng khác ao ước : sex - tiền - lãng mạn. Thế nên khi viết thẳng ba điều ấy lên trên giấy, anh hoảng hốt nhận ra chúng ta không có gì cả! Bởi một thứ quan trọng nhất đã chẳng được ghi lên. Nó mang tên tình yêu! Vì thế, chúng ta không thể là vợ chồng...

Tình yêu là gì em biết không?

Anh đã phải dành nhiều ngày trong quỹ thời gian làm việc của mình để ngẫm nghĩ. Và với anh :

- Tình yêu là bữa cơm nghi ngút khói em nấu mỗi chiều đợi anh về sau giờ làm, là chiếc áo phẳng phiu được em ủi và mắc lên cẩn thận, là căn nhà ngăn nắp xinh tươi chúng ta cùng nhau vun bón mỗi cuối tuần.

- Tình yêu là chúng ta nhắc nhở nhau chi tiêu dè xẻn, dành tiền cho tương lai, cho con sau này. Là một account bank có tên hai đứa với những kế hoạch rõ ràng cho tài chính trong tương lai...

- Tình yêu là em và anh sẵn sàng đổ lên đầu nhau những cơn giận dữ, để rồi sau đó em òa khóc, anh bỏ đi uống rượu, rồi lại quay về dỗ dành vợ. Sau những lần như thế, chúng ta biết yêu cả cái xấu của nhau

- Tình yêu là những khi anh và em gặp vấn đề khó khăn trong công việc hay buồn phiền, chúng ta chỉ muốn về nhà, ôm chặt lấy người kia hay nằm trong lòng nhau thủ thỉ. Anh không phải ngồi hàng giờ một mình trước computer để tìm lời an ủi từ những người bạn online. Em không phải đi khắp phố cùng đứa bạn thân để than vãn điều phiền não.

- Tình yêu là... nhiều nhiều thứ khác nữa mà có lẽ chúng ta chưa bao giờ nghĩ hoặc chưa bao giờ hiểu. Nhưng quan trọng nhất và cuối cùng nhất mà anh muốn nói cùng em: Tình yêu là chúng ta phải biết nâng niu và yêu thương giọt máu của chúng ta! Em đã không làm được điều đó...

Chúng ta dành cho nhau một thời gian em nhé...

Rồi ta sẽ quay về, nếu thật sự yêu nhau! Xin lỗi em

Anh của em.."

***

Em khóc. Em gào. Em đập phá. Trong cơn hoảng loạn, em nhìn quanh căn nhà của chúng ta. Phòng bếp chỉ toàn ly, đĩa , rượu và thức ăn nhanh. Phòng khách là ghế sofa đầy tàn thuốc lá vung vãi, vài cái áo phông anh thay vội đã hơn tuần. Phòng ngủ như một mớ hỗn tạp không định dạng. Phòng tắm ngổn ngang bộn bề.

Cuối cùng. Em chưa bao giờ nấu một bữa cơm nào cho anh, có chăng chỉ là mì gói. Em chưa bao giờ ủi cái áo nào cho anh, có chăng chỉ là đem đi tiệm. Em chưa bao giờ phàn nàn thói quen ở bẩn của anh, có chăng chỉ là bỏ tiền mướn người ta dọn dẹp.

Em thẫn thờ nhìn xuống bụng mình, nước mắt ràn rụa theo từng dòng anh viết... Sao em có thể không nghĩ rằng nó sẽ rất giống anh, người mà em luôn miệng nói yêu thương? Em có yêu anh không? Ta có yêu nhau không?

***

Người ta có thể là tình nhân của nhau ngay cả khi không có tình yêu. Nhưng để là vợ chồng một cách đúng nghĩa, thì tình yêu không thể thiếu. Điều đơn giản ấy em và anh trong cuộc đời này đến bao giờ mới hiểu..?

Vân Lam